Người mắc bệnh gan nhiễm mỡ nên có chế độ ăn uống như thế nào?
Bệnh lý gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD) là tình trạng tích tụ mỡ (trên 5% trọng lượng gan) ở những người không uống hoặc chỉ uống rất ít rượu, và không có nguyên nhân thứ phát nào khác (virus, thuốc, bệnh chuyển hóa…). NAFLD ảnh hưởng tới khoảng 25–30% dân số toàn cầu. Tỷ lệ mắc bệnh NAFLD cao hơn ở người béo phì, đái tháo đường typ 2, rối loạn lipid máu.
Ở Việt Nam, tỷ lệ mắc NAFLD có xu hướng tăng nhanh cùng với tình trạng béo phì và lối sống ít vận động. NAFLD có liên quan đến kháng insulin, rối loạn chuyển hóa lipid và glucose, làm tăng tích tụ triglycerides trong gan. Các yếu tố này gây tổn thương oxy hóa, viêm, và rối loạn chức năng ty thể góp phần dẫn đến viêm gan và xơ hóa gan.
Hiện tại, vẫn chưa có phương pháp điều trị y khoa nào cho bệnh lý gan nhiễm mỡ không do rượu, điều này có nghĩa là tập trung thay đổi lối sống bao gồm ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên, duy trì cân nặng hợp lý và ngủ đủ giấc là cách tốt nhất ngăn ngừa tổn thương gan khởi phát khi bệnh ở giai đoạn đầu.
1. Nguyên tắc chế độ ăn cho bệnh lý gan nhiễm mỡ:
- Hạn chế lượng chất béo do chất béo cung cấp lượng calo cao và tăng nguy cơ thừa cân béo phì.
- Thay thế chất béo bão hòa (saturated fat) và chất béo chuyển hóa (trans fat) bằng chất béo không bão hoà, đặc biệt là Omega-3, có thể làm giảm nguy cơ bệnh lý tim mạch. Gảm chất béo bão hòa xuống dưới 7–10% tổng năng lượng trong ngày. Nhu cầu trung bình là 45–60g/ngày (chiếm khoảng 20–25% tổng năng lượng). Nguồn chất béo lành mạnh nên đến từ 20–25g dầu thực vật mỗi ngày (khoảng 2 muỗng canh), 15–20g các loại hạt như hạt óc chó, hạnh nhân, hoặc mè. Ngoài ra, người trưởng thành nên ăn cá béo (cá hồi, cá thu, cá mòi) ít nhất 2–3 lần mỗi tuần để bổ sung acid béo omega-3 có lợi cho tim mạch và gan.
- Tăng cường các thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp (glycemic index-GI) như rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt, đậu đỗ và một số loại trái cây lê, cam, táo, ổi, bưởi. Nguồn cung cấp chủ yếu bao gồm khoảng 300–350g cơm trắng hoặc gạo lứt (tương đương 2–2,5 bát mỗi bữa × 2 bữa), 2–3 lát bánh mì nguyên cám và khoảng 100–150g khoai lang hoặc khoai tây luộc. Người trưởng thành cũng nên ăn từ 2 đến 3 phần trái cây tươi mỗi ngày (mỗi phần khoảng 80–100g).
- Tránh các loại thực phẩm và đồ uống chứa nhiều đường đơn, đặc biệt là Fructose. Fructose có trong nước ngọt có đường, đồ uống thể thao, trà có đường và các loại nước trái cây. Cho tới thời điểm hiện tại, lượng đường khuyến nghị tối đa 10% tổng năng lượng hàng ngày và tốt nhất là dưới 5% tổng năng lượng (tức khoảng 25g/ngày cho người trưởng thành).
- Tránh sử dụng rượu vì rượu có thể gây tổn thương thêm cho gan dẫn tới tăng tình trạng bệnh lý.
2. Các nhóm thực phẩm nên lựa chọn:
- Ngũ cốc nguyên hạt: gạo lứt, yến mạch, bánh mì nguyên cám, lúa mạch giúp cung cấp chất xơ và kiểm soát đường huyết.
- Đạm lành mạnh: thịt nạc (ức gà, thịt heo nạc), cá béo (cá hồi, cá mòi), đậu hũ, đậu nành giúp tăng cường chức năng gan và ít chất béo xấu.
- Chất béo không bão hòa: dầu ôliu, dầu hạt cải, quả bơ, hạt chia, hạt lanh – giúp giảm viêm và cải thiện chuyển hóa mỡ.
- Rau xanh và củ quả: rau cải, bông cải xanh, mồng tơi, cà rốt, bí đỏ, cà chua – cung cấp chất chống oxy hóa và hỗ trợ giải độc gan.
- Trái cây ít đường: táo, bưởi, ổi, lê, dâu tây, việt quất – hạn chế đường và giàu vitamin.
- Sữa ít béo: sữa tách béo, sữa chua không đường, sữa đậu nành không đường.
- Gia vị tự nhiên: tỏi, gừng, nghệ – có đặc tính chống viêm và hỗ trợ chức năng gan.
- Nước và đồ uống lành mạnh: nước lọc, trà xanh, trà atiso (không đường).
3. Các nhóm thực phẩm nên loại bỏ hoàn toàn khỏi chế độ ăn:
- Chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa: mỡ động vật, bơ, xúc xích, lạp xưởng, đồ chiên ngập dầu…
- Đường và tinh bột tinh chế: đường trắng, nước ngọt có gas, bánh ngọt, kẹo, nước ép đóng hộp, cơm trắng ăn quá nhiều.
- Thức ăn nhanh và đồ chế biến sẵn: gà rán, pizza, khoai tây chiên, mì gói, snack đóng gói – chứa nhiều muối và chất béo xấu.
- Rượu bia và đồ uống có cồn: cần tránh hoàn toàn vì gây hại trực tiếp đến gan.
- Nội tạng động vật: gan, lòng, tim, óc – chứa nhiều cholesterol và làm nặng thêm tình trạng mỡ gan.
- Sữa nguyên kem và các sản phẩm từ sữa béo: kem, sữa nguyên kem.
- Thức ăn nhiều muối và natri: dưa muối, cá khô, nước mắm mặn, đồ hộp.
4. Thay đổi các lối sống, thói quen không phù hợp
Việc duy trì giấc ngủ đủ và đúng giờ là yếu tố quan trọng trong quản lý bệnh hiệu quả. Thói quen thức khuya làm rối loạn nhịp sinh học, giảm chất lượng giấc ngủ có nguy cơ tăng các yếu tố viêm, từ đó gây ra các ảnh hưởng tiêu cực tới tiến triển bệnh. Duy trì giấc ngủ trung bình 7-8h/ngày.
Tập thể dục đều đặn 30 phút mỗi ngày, ít nhất 5 ngày/tuần.
Uống đủ nước mỗi ngày (1,5–2 lít), hạn chế sử dụng nước giải khát có đường, có ga.
Theo dõi men gan và tiến triển của bệnh lý định kỳ và tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ.
Do chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, nên chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát sự tiến triển gan nhiễm mỡ không do rượu. Việc lựa chọn thực phẩm lành mạnh, hạn chế các yếu tố gây hại cho gan như chất béo xấu, đường đơn, rượu bia và thực phẩm chế biến sẵn sẽ giúp giảm mỡ trong gan, cải thiện chức năng gan và phòng ngừa tiến triển thành viêm gan, xơ gan. Bên cạnh chế độ dinh dưỡng, người bệnh cũng cần kết hợp vận động thể lực hợp lý và tái khám định kỳ để theo dõi tiến triển bệnh
Tài liệu tham khảo
- Chalasani, N., Younossi, Z., Lavine, J. E., Diehl, A. M., Brunt, E. M., Cusi, K., Charlton, M., & Sanyal, A. J. (2024). Clinical assessment and management of metabolic dysfunction-associated steatotic liver disease (MASLD): An AASLD Practice Guidance. Hepatology, 79(1), 123–142. https://doi.org/10.1097/HEP.0000000000000612.
- European Association for the Study of the Liver (EASL). (2024). EASL clinical practice guidelines on MASLD (formerly NAFLD). Journal of Hepatology, 80(2), 355–392. https://doi.org/10.1016/j.jhep.2023.10.006
- Younossi, Z. M., Koenig, A. B., Abdelatif, D., Fazel, Y., Henry, L., & Wymer, M. (2023). Global burden of MASLD and MASH: A systematic review and meta-analysis. The Lancet Gastroenterology & Hepatology, 8(3), 215–230. https://doi.org/10.1016/S2468-1253(23)00012-1.
- Hiệp hội Gan Mật Việt Nam. (2023). Khuyến cáo cập nhật về chẩn đoán và điều trị gan nhiễm mỡ không do rượu (MASLD). Hội nghị Khoa học toàn quốc lần thứ XI, TP. Hồ Chí Minh.
TS. Bùi Thị Thúy - Khoa Khám tư vấn dinh dưỡng người lớn , Viện Dinh dưỡng